Cùng góp sức vì Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông

Từ Lê Minh Phiếu blog
Nguồn Dân Chủ blog
Nguồn Tự Do blog

Quỹ Nghiên cứu Biển Đông

Các bạn thân mến,

Người Việt ai cũng biết Việt Nam có diện tích trên bộ của hơn 330 ngàn km2. Nhưng không phải ai cũng biết chúng ta còn có chủ quyền, theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982), hơn nửa triệu km2 trên Biển Đông, lớn gấp rưỡi diện tích trên bộ.

Nửa triệu km2 này chứa một nguồn tài nguyên to lớn: dầu mỏ, khí đốt, hải sản, chiếm một vị trí cực kỳ chiến luợc trong giao thông, an ninh và phát triển của Việt Nam. Bên cạnh đó còn có Trường Sa và Hoàng Sa mà chúng ta đã xác lập chủ quyền trước tất cả các nước khác, từ thời nhà Nguyễn. Thế nhưng, lãnh thổ thiêng liêng này của Tổ quốc đang bị Trung Quốc chiếm đoạt bằng mọi thủ đoạn:

· Năm 1947, Trung Quốc công bố “bản đồ lưỡi bò” nhằm đòi hỏi chủ quyền của mình trên hơn 75% diện tích Biển Đông;

· Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm hết Hoàng Sa vào năm 1974;

· Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm một phần Trường Sa từ năm 1988.

Trung Quốc giết ngư dân Việt Nam. Trung Quốc không cho ta khai thác dầu khí trong khi lại ngang ngược thăm dò và khai thác ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngay tại thời điểm này, Trung Quốc đang chèn ép Việt Nam rất nhiều trong đàm phán phân định biên giới trên biển ngoài vịnh Bắc Bộ.

Trước tình hình đó, chúng ta, người Việt Nam phải làm gì?

Mỗi cá nhân thường nghĩ mình bé nhỏ và bất lực trước vấn đề lớn này. Chúng ta dễ dàng đổ lỗi cho Chính phủ hiện giờ mặc dầu nhiều khi chính bản thân chúng ta cũng chưa có sự quan tâm, đóng góp cần thiết.

Thật ra chúng ta có thể làm được nhiều, rất nhiều để bảo vệ vùng biển này vì công lý và lẽ phải đứng về phía Việt Nam. Chúng ta cần đoàn kết lại để cất cao tiếng nói đòi hỏi sự công bằng một cách duy lý và khôn ngoan. Nếu chúng ta im lặng, ai sẽ đứng ra bảo vệ công lý cho Việt Nam ?

Những việc nhỏ chúng ta có thể bắt đầu từ ngay bây giờ :

* Tìm hiểu, phổ biến kiến thức về biển, đảo và luật quốc tế về biển đảo, về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông;
* Tranh luận trên các diễn đàn quốc tế về chủ quyền biển đảo của Việt Nam;
* Xây dựng các trang web bằng tiếng Anh về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông;
* Đấu tranh để đưa tranh chấp Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa ra tòa án quốc tế…

Và còn rất nhiều dự án khác mà Quỹ Nghiên cứu Biển Đông đang rất cần sự cộng tác của các bạn.

Xin bạn đừng nghĩ những việc như vậy là vô ích. Từ khi Trung Quốc chính thức bắt đầu đòi hỏi chủ quyền đối với Hoàng Sa vào năm 1909 (sau Việt Nam hơn 200 năm), họ đã không ngừng tuyên truyền cho dân Trung Quốc và thế giới về chủ quyền của họ đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông. Việc xâm lược Hoàng Sa năm 1974 được họ ngụy biện là “đánh đuổi” Việt Nam ra khỏi Hoàng Sa. Họ đi xâm lược nhưng lại muốn cho thế giới nghĩ rằng Việt Nam chúng ta đã làm điều đó. Và điều này đã phát huy hiệu quả với một mức độ nhất định trong cộng đồng quốc tế.

Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, một tổ chức nghiên cứu, phổ biến các bằng chứng pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, sử dụng con đường truyền thông và ngoại giao để vận động sự ủng hộ của quốc tế cho một giải pháp công bằng, hoà bình và hợp pháp cho các tranh chấp ở Biển Đông đã ra đời trong bối cảnh đó.

Quỹ Nghiên cứu Biển Đông rất cần sự hợp tác của các bạn để cùng tiến hành một số dự án cụ thể trong khuôn khổ đấu tranh một cách hòa bình và duy lý của Quỹ.

Nếu các bạn có thể tham gia, xin liên lạc với chúng tôi bằng một trong hai cách sau:

1. Bấm vào link dưới đây: Gửi thư cho ban điều hành quĩ

Sau đó nhập địa chỉ gmail và password của bạn. Bạn viết 1 message gửi đến Ban điều hành của Quỹ NCBD để đề nghị được kết nạp vào nhóm Cộng tác viên.

2. Gửi email đến director@seasfoundation.org hoặc leminhphieu@gmail.com (nếu bạn không có địa chỉ gmail).

Khi viết message hoặc mail, bạn vui lòng giới thiệu những thông tin cơ bản về bạn, link blog (nếu có). Các thông tin về bạn càng chi tiết, khả năng chấp nhận bạn vào nhóm CTV sẽ càng cao hơn.

Điều kiện để tham gia vào cộng tác viên? Rất đơn giản:

– Có ý muốn bảo vệ chủ quyền của Việt Nam và có khả năng tham gia vào những dự án của Quỹ (như đã nêu trên) ;

– Chấp nhận và tuân theo điều lệ, những quy định và sự phân công công việc của Quỹ (trong khả năng của mình) trong quá trình tham gia.

Việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông đang chờ sự đóng góp của các bạn.

Gửi bình luận

Required fields are marked *

*
*